Chúng ta đang sống trong một thời đại độc nhất vô nhị.
Một thời đại mà bạn có thể biến chuyên môn của mình thành một cỗ máy kiếm tiền – ngay tại nhà – mà chẳng cần phải làm việc cho ai.
Nghe thật tuyệt, phải không?
Nhưng… làm sao để bắt đầu?
Tôi gọi đó là ‘sản phẩm hóa’ bản thân.
Tức là biến kiến thức và kỹ năng của bạn thành các sản phẩm số.
Tạo ra nguồn thu nhập từ chúng như một doanh nhân cá nhân – mà không cần sếp hay nhân viên.
Quy trình này không phức tạp, nhưng bạn cần một lộ trình rõ ràng.
Hãy cùng tôi đi qua 5 bước mà tôi đã theo đuổi trong 3 năm qua để ‘sản phẩm hóa’ bản thân.
Bước 1: Xác Định Kỹ Năng Có Thể Tạo Thu Nhập
Bước đầu tiên…
Là xác định kỹ năng nào của bạn mà người khác sẵn sàng trả tiền để học.
Nghe thì có vẻ dễ, nhưng đây là chỗ mà hội chứng ‘kẻ mạo danh’ thường xuất hiện.
Bạn nghĩ rằng…
Kỹ năng của mình không đặc biệt.
Kiến thức của mình ai cũng biết.
Và chẳng ai trả tiền cho những điều đó.
Đó là một sai lầm lớn.
Bạn đang sở hữu cả một kho báu kiến thức trị giá hàng trăm nghìn USD mà không biết đấy thôi.
Vấn đề là bạn chưa mở khóa được nó.
Để biết kỹ năng nào có thể tạo ra thu nhập, bạn hãy tự hỏi:
- Bạn đang được trả tiền để làm gì trong công việc hiện tại (hoặc công việc trước đây)?
- Bạn đã từng giải quyết vấn đề đau đầu nào trong cuộc sống hay sự nghiệp của mình?
- Những người xung quanh thường nhờ bạn giúp đỡ về lĩnh vực gì?
Câu chuyện của tôi:
Từ những năm cấp 3, tôi đã bắt đầu tìm hiểu và thử nghiệm với lĩnh vực kiếm tiền online (Make Money Online).
Ở thời điểm đó, tôi chỉ có thể kiếm được vài trăm đô la Mỹ mỗi tháng bằng cách xem quảng cáo trực tuyến và thực hiện các khảo sát trên những website của Mỹ.
Khi bước vào môi trường công sở, tôi bắt đầu tạo blog cá nhân mang tên mình – tranvanloc.com.
Tuy nhiên, vì chưa có đủ kiến thức và kĩ năng, tôi không thể duy trì việc viết bài một cách thường xuyên.
Đến năm 2018, tôi quyết định quay lại với việc viết blog và chủ động tìm đọc các tài liệu chuyên sâu từ nước ngoài.
Tôi bắt đầu áp dụng những kiến thức mới vào blog của mình.
Kết quả là, blog không chỉ phục hồi mà còn phát triển vượt bậc, thu hút hàng triệu lượt hiển thị và hàng trăm nghìn lượt xem.
Điều đó giúp tôi nhận ra rằng, khi bạn kiên trì và sẵn sàng học hỏi, cơ hội sẽ tự khắc tìm đến.
Blog của tôi thu hút hàng triệu lượt hiển thị và tạo ra rất nhiều chuyển đổi và thu nhập đáng kể.
Từ những bài viết đầu tiên chỉ để chia sẻ kiến thức, blog đã dần trở thành một kênh mang lại nguồn thu nhập thụ động. Những lượt truy cập đã được chuyển đổi thành người đăng ký, khách hàng, và cả đối tác kinh doanh.
Điều này khiến tôi nhận ra rằng, việc chia sẻ chuyên môn và giá trị thực sự không chỉ giúp xây dựng uy tín cá nhân, mà còn có thể biến nó thành một cỗ máy kiếm tiền mạnh mẽ, ngay cả khi bạn chỉ là một doanh nhân cá nhân.
Hãy nhớ…
Những khó khăn bạn đã vượt qua trong cuộc sống, có thể là cơ hội để bạn bắt đầu hành trình sản phẩm hóa bản thân.
Bước 2: Tạo Nội Dung Xoay Quanh Kỹ Năng Đó
Sau khi xác định được kỹ năng có thể tạo thu nhập…
Hãy bắt đầu tạo nội dung xoay quanh nó.
Bởi vì…
Nếu bạn không có cộng đồng,
Sẽ chẳng có ai để mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
Đây là chiến lược xây dựng cộng đồng của tôi:
- Chọn 1 – 2 nền tảng và tập trung hoàn toàn vào chúng (Với tôi là Google và Substack).
- Đăng bài đều đặn theo lịch trình cụ thể.
- Phân tích nội dung có hiệu quả và khai thác thêm các góc nhìn khác nhau cho chủ đề đó.
- Kết nối và tương tác với những người sáng tạo khác. Hãy nhớ, mối quan hệ của bạn là tất cả.
Sức mạnh của việc tạo nội dung nằm ở tính đòn bẩy.
Một bài viết tốt có thể tiếp cận hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người.
Ví dụ:
Một bài viết của tôi đã đạt 63.000 lượt hiển thị và 13.000 lượt đọc, tương đương với 10 lần sức chứa của rạp chiếu phim lớn như CGV AEON MALL Bình Tân đầy ắp khán giả.
Đó là sức mạnh của việc tạo nội dung trực tuyến.
Một bài viết được đề xuất trên Google có thể mang đến hàng nghìn lượt đọc cho bạn.
Tương tự, môt bài viết được lan tỏa có thể mang lại hàng chục nghìn người theo dõi.
Nhưng đừng chỉ dừng lại ở lượt đọc và người theo dõi.
Bạn cần chuyển những lượt theo dõi đó thành người đăng ký email.
Bước 3: Xây Dựng Danh Sách Email
Danh sách email chính là tài sản quan trọng nhất của bạn với tư cách là người kinh doanh một mình.
Cộng đồng trên mạng xã hội chỉ là cộng đồng thuê mướn.
Nhưng danh sách email mới là cộng đồng bạn thực sự sở hữu.
Bạn sẽ không bao giờ bị:
- Một thay đổi thuật toán khiến bạn không thể tiếp cận được 90% người theo dõi của mình.
- Một sai lầm khiến bạn bị cấm (hoặc bị hạn chế hiển thị), và thế là xong sự nghiệp của bạn.
- Người dùng đổ xô sang nền tảng khác, khiến bạn mất hết công sức xây dựng cộng đồng.
Để thu hút người dùng đăng ký, hãy tạo ra một phần quà miễn phí.
Đó có thể là một PDF, checklist, hay khóa học email 5 ngày giúp giải quyết vấn đề cụ thể hoặc đạt được kết quả cụ thể.
Ví dụ:
Tôi đã tạo một khóa học email 18 ngày hướng dẫn viết lách để tạo thói quen.
Phần quà đơn giản này đã giúp tôi có thêm rất nhiều email đăng ký.
Và khi đã có danh sách email…
Đừng để họ lãng quên bạn.
Hãy gửi ít nhất một bản tin mỗi tuần để duy trì sự tương tác.
Bước 4: Tạo Các Sản Phẩm Trả Phí
Nếu không có sản phẩm trả phí…
Bạn sẽ không thể duy trì doanh nghiệp.
Các sản phẩm trả phí có thể bao gồm:
- E-Books
- Khóa học mini
- Thành viên / Cộng đồng
- Coaching 1:1
- Tư vấn
- Và nhiều hơn nữa.
Hầu hết các sản phẩm số có khả năng mở rộng, nghĩa là bạn chỉ cần tạo một lần và bán mãi.
Trong khi dịch vụ số tiêu tốn thời gian hơn, nhưng bạn có thể tính giá cao hơn vì tính cá nhân hóa.
Tôi khuyên bạn nên kết hợp cả hai để có nhiều nguồn thu nhập.
Bước 5: Duy Trì Sự Nhất Quán
Sự nhất quán là chìa khóa cho thành công.
Bạn cần thời gian để xây dựng cộng đồng, tạo uy tín và doanh thu đều đặn.
Hãy nhớ:
“Kiên nhẫn trong dài hạn. Nóng vội trong ngắn hạn.”
Hãy nóng vội trong các hành động hàng ngày (viết nhiều, tạo nhiều nội dung, tương tác nhiều).
Nhưng hãy kiên nhẫn với kết quả của những hành động đó.
Tóm lại, quy trình 5 bước để ‘sản phẩm hóa’ bản thân và biến kiến thức & kỹ năng hiện có thành một doanh nghiệp một người là:
- Xác định kỹ năng có thể tạo thu nhập.
- Tạo nội dung xoay quanh kỹ năng đó để phát triển cộng đồng.
- Biến người theo dõi trên mạng xã hội thành danh sách email.
- Tạo các sản phẩm trả phí.
- Duy trì sự nhất quán.
Checklist Hành Động:
- [ ] Xác định kỹ năng mà bạn có thể kiếm tiền từ nó.
- [ ] Lựa chọn nền tảng tạo nội dung phù hợp.
- [ ] Tạo phần quà miễn phí để thu hút email.
- [ ] Xây dựng sản phẩm trả phí đầu tiên của bạn.
- [ ] Đăng bài viết đều đặn hàng tuần.
- [ ] Thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh chiến lược.
Câu Hỏi Thường Gặp:
Q: Làm sao để biết kỹ năng nào của tôi có thể kiếm tiền?
A: Hãy tập trung vào những kỹ năng mà bạn đang được trả tiền để làm hoặc những vấn đề bạn đã giải quyết thành công cho người khác.
Q: Mất bao lâu để tôi thấy kết quả từ việc xây dựng doanh nghiệp một người?
A: Mọi thứ đều phụ thuộc vào sự nhất quán và nỗ lực của bạn. Thường thì từ 3 – 6 tháng nếu bạn tập trung hoàn toàn.
Q: Làm sao để duy trì sự nhất quán khi mới bắt đầu?
A: Hãy thiết lập lịch trình cụ thể, cam kết ít nhất 30 phút mỗi ngày để viết, tạo nội dung và kết nối với cộng đồng.
Tặng Thêm: Cách Tăng Doanh Thu Hiệu Quả
- Upsell: Đề xuất thêm sản phẩm nâng cao sau khi khách hàng mua sản phẩm cơ bản.
- Downsell: Nếu khách hàng từ chối, hãy đưa ra một sản phẩm thấp hơn với mức giá dễ tiếp cận hơn.
- Cross-sell: Khuyến nghị các sản phẩm hoặc dịch vụ bổ sung
Xây dựng khóa học (Ví dụ: kế toán)
Khi bạn đã xây dựng khóa học kế toán và bắt đầu bán hàng, đừng dừng lại ở đó.
Có rất nhiều cách để tối ưu hóa doanh thu từ mỗi học viên.
Dưới đây là ba chiến lược bạn có thể áp dụng để tăng trưởng doanh thu mà không cần thêm khách hàng mới:
1. Upsell: Đề Xuất Sản Phẩm Nâng Cao
- Hãy tưởng tượng: Học viên vừa đăng ký khóa học Kế Toán Cơ Bản của bạn.
- Bạn có thể đề xuất khóa học Kế Toán Quản Trị hoặc Kế Toán Thuế Nâng Cao, nơi học viên sẽ được học cách quản lý tài chính doanh nghiệp hoặc tối ưu hóa thuế cho doanh nghiệp nhỏ.
Ví dụ:
“Nếu bạn đã nắm vững những kiến thức kế toán cơ bản, hãy tham gia khóa học Kế Toán Quản Trị Nâng Cao để học cách lập báo cáo tài chính chi tiết và đưa ra quyết định quản trị hiệu quả hơn. Học phí chỉ cao hơn khóa học cơ bản 20%, nhưng bạn sẽ sở hữu những kỹ năng cần thiết để thăng tiến trong công việc.”
Một chiến lược upsell hiệu quả có thể giúp bạn tăng gấp đôi doanh thu chỉ từ một học viên đã tham gia khóa học.
2. Downsell: Đề Xuất Sản Phẩm Với Giá Thấp Hơn
- Không phải ai cũng sẵn sàng chi trả cho một khóa học dài hạn và chuyên sâu.
- Nếu học viên từ chối khóa học chính của bạn, hãy đề xuất một khóa học mini hoặc tài liệu hướng dẫn với mức giá dễ tiếp cận hơn.
Ví dụ:
“Bạn chưa sẵn sàng cho khóa học Kế Toán Cơ Bản? Hãy bắt đầu với tài liệu ‘5 Bước Đầu Tiên Trong Lập Báo Cáo Kế Toán’ chỉ với 50.000 VNĐ – giúp bạn nắm bắt kiến thức nền tảng trong vòng 30 phút.”
Downsell giúp bạn giữ lại học viên tiềm năng, cung cấp một giải pháp vừa túi tiền mà vẫn mang lại giá trị cần thiết.
3. Cross-sell: Gợi Ý Sản Phẩm Bổ Sung
- Khi học viên đã đăng ký khóa học, đó là thời điểm tuyệt vời để giới thiệu thêm các sản phẩm bổ sung giúp họ học tập hiệu quả hơn.
Ví dụ:
“Ngoài khóa học Kế Toán Cơ Bản, bạn có thể tham khảo thêm khóa học Sử Dụng Excel Chuyên Nghiệp Cho Kế Toán, giúp bạn tối ưu hóa quá trình lập bảng tính và phân tích số liệu chỉ với 30% học phí khóa chính.”
Cross-sell sẽ giúp bạn gia tăng giá trị đơn hàng và mang lại cho học viên những kỹ năng bổ sung mà họ thực sự cần trong quá trình học tập.
Lời Khuyên Cuối Cùng:
Khi áp dụng những chiến lược này, hãy luôn nhớ rằng trải nghiệm của học viên là ưu tiên hàng đầu.
Hãy đảm bảo rằng mỗi sản phẩm bổ sung hay nâng cao đều mang lại giá trị thực sự, giúp họ cảm thấy số tiền bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.
Nếu bạn thực hiện một cách khéo léo, những chiến lược này sẽ giúp bạn tăng doanh thu mà không cần thêm khách hàng mới và biến học viên hiện tại thành những người ủng hộ trung thành cho khóa học và thương hiệu của bạn.
Chúc bạn đạt được kết quả ngoài mong đợi.
Trần Văn Lộc